QUY TRÌNH APPLY HỌC BỔNG NHƯ THẾ NÀO? (Phần 1)

phần trước, mình đã giới thiệu cho các bạn một số loại “người yêu” (tức học bổng). Bạn thấy bỏ công sức ra chuẩn bị hồ sơ để gửi đến họ có đáng hay không? Chắc chắn là đáng rồi!!! Nếu các bạn đã nhắm cho mình được “người yêu” học bổng rồi thì hãy bắt đầu tán tỉnh, họ luôn thôi. Nên nhớ rằng, tìm “người yêu” đã khó, công cuộc cưa đổ họ còn khó khăn và mất thời gian hơn cơ.

Phần này mình sẽ dựa vào kinh nghiệm cá nhân (là chính) kết hợp với đọc nhiều bài viết khác nhau để đưa ra quy trình chung để cưa cẩm “người yêu”, cách quản lý việc “bắt cá nhiều tay” cùng lúc và thực tế mình đã đi tán “người yêu” như nào. Tùy từng lĩnh vực, tùy loại “người yêu” và tùy vào hoàn cảnh của bạn mà có những bước khác nhau để đến với “người yêu” nhưng mình sẽ cố gắng đưa ra quy trình chung nhất, sau đó mình sẽ kể lại quy trình tán vài “em” cho mọi người tham khảo.

Do phần này rất dài nên mình xin tách ra làm 2 bài viết khác nhau. Bài viết này chỉ nói về mục 1. Quy trình chung để tán “người yêu”. Hai mục còn lại là 2. Mình đã quản lý việc “bắt cá nhiều tay” như nào? và 3. Mình đã tán “người yêu” như nhế nào? Sẽ được trình bày ở bài sau nhé.

Sau khi đã chốt được một vài em để tán (như ở phần 2) rồi thì hãy bắt tay vào công việc tiếp theo thôi. Mình xin chia quy trình thành các bước sau. Các bạn có thể chia nhiều hoặc ít bước hơn nhưng nhìn chung vẫn trải qua các công việc này thôi.

Bước 1: Tìm hiểu thật kỹ gu của mình và gu của “người yêu”

Bước 2: Chuẩn bị tất cả mọi thứ cho hồ sơ

Bước 3: Chờ một cái gật đầu

Bước 4: Tiếp nhận kết quả

Vậy cụ thể từng bước cần làm những gì?

Bước 1: Tìm hiểu thật kỹ gu của mình và gu của “người yêu”

Để biết gu của mình, bạn có thể trả lời những câu hỏi như: Mình muốn cái gì? Mình muốn người yêu cho những gì? Mình muốn “yêu nhau” trong bao nhiêu năm?…

Để biết gu của “người yêu” có thể đáp ứng được những câu trả lời cho những câu hỏi trên hay không, bạn nên nghiên cứu thật kỹ guidelines và đọc cả phần FAQ của họ. Sau đó, có những câu hỏi quan trọng không kém cần được xem xét: Tỷ lệ chọi là bao nhiêu? Họ yêu cầu những gì ở mình (kiến thức chuyên môn, báo chí, leadership, ngoại ngữ,…)?

Nhìn chung là nồi nào úp vung nấy. Cái gì bạn cần thì họ có. Cái gì họ cần thì bạn có. Vậy là chúng ta có thể đến với nhau rồi đó, chuẩn bị chiến thôi.

Bước 2: Chuẩn bị tất cả mọi thứ để gửi đến “người yêu”

Bạn đã dành nhiều thời gian để đọc hồ sơ của “người yêu” rồi. Bây giờ hãy cho họ cơ hội để hiểu về bạn hơn. Hãy chuẩn bị tốt nhất có thể những thứ nói lên con người bạn match với “người yêu” bạn.

  • Họ cần bằng bachelor về chuyên ngành X ư? Cố mà kiếm cái bằng đó với điểm trung bình và thứ hạng càng cao càng tốt. Thời gian đạt được: 4 hoặc 5 năm.

*** Lưu ý: Đa số cho phép bạn nộp giấy xác nhận thời gian tốt nghiệp dự kiến nếu như lúc bạn nộp là đang học kỳ cuối cùng. Ví dụ tháng 6 năm 2020 bạn mới ra trường nhưng bạn nộp hồ sơ từ tháng 12 năm 2019.

  • Họ cần IELTS 6.5 và không kỹ năng nào dưới 6.0 ư? Vứt thẳng vào mặt họ cái IELTS 6.5 như vậy là đủ rồi. Dĩ nhiên điểm cao hơn thì tốt nhưng k có nghĩa bạn dành nhiều thời gian để cày lên 7.0 hay 7.5 trong khi những thứ khác (ví dụ như điểm đại học) bạn đang thiếu hoặc chưa tốt. Thời gian đạt được: tùy mỗi người nhưng mình cứ ví dụ là 1 năm kể từ lúc bắt đầu ôn thi IELTS đến lúc đi thi.
  • Họ cần báo chí ư? Nhẹ nhàng gửi cho họ bài conference bạn đứng tên đầu hoặc/và bài journal bạn đứng tên hai/đầu cho họ lác mắt luôn :)). Thời gian đạt được: kể từ lúc lên lab đến lúc có bài báo accept đầu tiên như trường hợp của mình thì là 2 năm :((
  • Họ cần 2 năm kinh nghiệm làm trong lĩnh vực bạn sẽ apply ư? Cái này thì chắc là chấp nhận kiếm công ty mà làm rồi gửi hợp đồng hoặc giấy xác nhận gì đó cho họ thôi. Mình không có cái này nên mình không rõ.

Như vậy, bạn cần biết khoảng thời gian cần thiết để có được những thứ “người yêu” đòi hỏi sao cho lúc nộp hồ sơ thì tất cả giấy tờ vẫn có giá trị.

Dưới đây là danh sách giấy tờ mình có:

  1. Passport
  2. CV
  3. Motivation letter
  4. Giấy xác nhận thời gian tốt nghiệp dự kiến/Bằng đại học
  5. Bảng điểm đại học
  6. Xác nhận Ranking trong khoa/viện
  7. Course description (nói rõ mỗi môn học gì? Có bao nhiêu tín chỉ?)
  8. IELTS
  9. Hai thư giới thiệu
  10. Các giấy khen, giấy chứng nhận
  11. Báo chí
  12. Giấy chứng nhận sinh viên (để đáp ứng được yêu cầu proof of residence)

Sau khi có đầy đủ giấy tờ rồi thì gửi cho “người yêu” thôi. Vào mục How to apply của “người yêu” để biết cách nộp nhé. Có nơi chỉ cần điền form online, có nơi bắt cả điền form online và nộp bản cứng một vài giấy tờ nào đó, có nơi bắt nộp cả phí apply nữa. Đừng bỏ sót bước nào nhé các bạn.

Bước 3: Chờ một cái gật đầu

Khoảng thời gian này có thể kéo dài từ 1 tháng cho đến 6 tháng. Trong khoảng thời gian này thì mình đi làm full time để kiếm tiền chuẩn bị cho du học (nếu đỗ) và gần đến hôm họ hẹn báo kết quả thì trước đó mấy ngày, cứ sáng mở mắt ra thì việc đầu tiên của mình là check email, rồi trưa cũng check, tối cũng check.

Với một vài học bổng yêu cầu phỏng vấn thì sau khi nộp hết hồ sơ bạn cũng nên chuẩn bị dần cho cuộc phỏng vấn sắp tới. Đừng nghĩ là “chắc gì mình đã qua vòng hồ sơ, đến lúc họ báo vòng phỏng vấn rồi tính”. Xin thưa là “Thất bại trong chuẩn bị là chuẩn bị cho một thất bại”, hay như phương châm của mình là “Có nhưng không dùng còn hơn đến lúc dùng mà không có”. Hãy chuẩn bị sớm nhất có thể. Dù không được phỏng vấn thì bạn cũng kiếm được cho mình 1 vài thông tin và kinh nghiệm nào đó.

Bước 4: Tiếp nhận kết

Nếu bạn được nhận? Congratulations!

Nếu họ nói Mày rất tốt nhưng bọn tao rất tiếc? Không sao cả, có lẽ chúng ta có duyên nhưng không có phận tại-thời-điểm-này. Chán vài hôm rồi cùng làm lại bước 1 xem mình có sai sót ở đâu không? Sai ở việc đánh giá bản thân và đánh giá “người yêu” chăng? Nếu bản thân mình chưa được tốt lắm thì mình hạ gu tìm “người yêu” xuống hoặc tích lũy thêm các kỹ năng, kinh nghiệm để đẩy mình lên level cao hơn, cho xứng với “người yêu”.

Trên đây là các bước của quy trình tán đổ “người yêu”. Mỗi bước sẽ có ứng với cung bậc cảm xúc, trạng thái nhất định. Nếu như bước 1 là lúc lấy tay đập vào đầu và hỏi: Tôi là ai? Tôi đang ở đâu? Tôi muốn gì?… rồi cảm thấy…. đau đầu 🙂 thì bước 2 là lúc căng hết cả não ra, vận dụng tất cả những nếp nhăn trên não và cả trên khuôn mặt để thi cho xong mấy cái chứng chỉ, đẻ cho được bài báo. Nhiều lúc bế tắc khi cày nhiều nhưng không ra được cái gì thì cũng nản vcl mà không biết chia sẻ cùng ai ấy chứ. Bước 3 sẽ khiến bạn đau tìm, mong ngóng chờ đợi từng ngày, từng giờ, trong khi cung bậc cảm xúc “cực trị” sẽ dồn nén về bước 4. Hoặc là lên đỉnh, hoặc là rơi xuống địa ngục.

Đó. Đi tán “người yêu” hay mà. Đời được mấy tí. Cứ thử đi cho biết.

Bài dài lắm rồi. Hẹn gặp bạn ở bài viết sau nhé. Bye!